Chủ nhật05042025

Last update01:52:31 AM

Back Bạn đang ở: Home Tin tức

THƯ VIỆN TRÊN TOÀN CẦU TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG ĐẠI DỊCH COVID 19

tvtcTrong tình hình diễn biến phức tạp của bệnh truyền nhiễm do chủng mới vi rút Corona gây ra (COVID-19), nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại nhiều quốc gia buộc phải tạm dừng. Các nhà chức trách, các cơ quan quản lý trên khắp thế giới đang nỗ lực thu thập và xây dựng thông tin về bệnh dịch, tiến hành xét nghiệm và chữa trị cho những người bị nhiễm virus, đồng thời dần dần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Không nằm ngoài bối cảnh chung, các thư viện trên khắp thế giới cũng đang phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn liên quan tới việc cung cấp dịch vụ thư viện: đóng cửa hoàn toàn hay cắt giảm hoạt động? Chính phủ tại các quốc gia đang áp dụng nhiều chính sách khác nhau. Một số quốc gia có số lượng ca nhiễm bệnh không lớn và chưa áp dụng biện pháp giới hạn cụ thể nào. Tuy nhiên ngay cả trong những trường hợp này, các thư viện vẫn được khuyến nghị áp dụng các biện pháp giữ gìn vệ sinh thông thường, ví dụ như đảm bảo người làm thư viện và người sử dụng thư viện dễ dàng tiếp cận với nguồn nước, xà phòng và chất khử trùng; vệ sinh tài liệu, các trang thiết bị máy móc, bề mặt bàn ghế luôn sạch sẽ. Bên cạnh đó, tại một số quốc gia khác thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn, ví dụ như hạn chế tập trung đông người nơi công cộng và cách ly một số khu vực bị ảnh hưởng nhất trong cộng đồng nói chung, thì thư viện nói riêng cần áp dụng giãn cách trong phòng đọc, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người sử dụng thư viện, giảm dần số lượng giờ làm việc, cho phép người làm thư viện tác nghiệp từ xa nếu có thể. Ở những quốc gia có số lượng nhiễm bệnh cao cần áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất thì các thư viện bị buộc phải đóng cửa. Trong trường hợp trên, để tránh tình trạng bị “tê liệt” hoàn toàn, các thư viện cần thúc đẩy phát triển thư viện kỹ thuật số và tạo điều kiện cho người sử dụng được tiếp cận loại hình này, tăng số lượng tài liệu và sách điện tử được mượn về nhà. Các thư viện chỉ được mở cửa trở lại khi có thể đảm bảo được tiêu chí về an toàn cho người làm thư viện và người sử dụng thư viện; cũng như sau khi đã có thông báo cụ thể về tất cả các quy định hiện hành cho người sử dụng, cả trực tuyến và tại chỗ, đồng thời sẵn sàng có kế hoạch đối phó trong trường hợp bị tái đóng cửa nếu tỷ lệ lây nhiễm đạt đỉnh mới. Đương nhiên mọi quyết định của chính phủ hay giám đốc thư viện trong việc giới hạn hoạt động dịch vụ hoặc đóng cửa thư viện đều là một quyết định khó khăn, được thực hiện sau khi đánh giá các rủi ro tương đối và cần sự đồng hành, chia sẻ và thông cảm của cả cộng đồng.

Giữ an toàn tại nơi làm việc

Dựa trên các báo cáo về cách thức lây truyền của Covid-19, WHO - Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, không đưa tay lên mắt, mũi, miệng (ho hoặc hắt hơi bên trong khuỷu tay hoặc sử dụng khăn giấy rồi vứt ngay vào thùng rác), giữ khoảng cách với người đang ho hoặc hắt hơi; hạn chế đến nơi công cộng, nơi tập trung đông người, tránh các điểm nóng Covid-19. WHO cũng khuyến khích các thư viện tuân theo hướng dẫn và thường xuyên theo sát các khuyến cáo từ cơ quan chức năng về y tế của quốc gia.

Các nước đã dần thực hiện các quy định nghiêm ngặt đối với người sử dụng thư viện về việc đeo khẩu trang, đồng thời tiến hành kiểm tra nhiệt độ ở cửa ra vào thư viện và yêu cầu người sử dụng khai báo sức khỏe. Một số thư viện đặt tấm chắn bảo vệ, giảm giao dịch trực tiếp giữa người sử dụng và người làm thư viện, khuyến khích thanh toán dịch vụ trực tuyến, hoặc đeo găng tay khi sử dụng thẻ.

Việc đảm bảo nhân viên có sức khỏe tốt, tâm lý thoải mái trong công tác là điều cần thiết và cũng là một nghĩa vụ bắt buộc. Thư viện Đại học Quốc gia Croatia đề nghị tất cả nhân viên kiểm tra thân nhiệt mỗi buổi sáng trước khi đi làm. Thư viện Quốc hội Argentina đặt ra quy trình về cách ứng phó nếu một nhân viên có triệu chứng nhiễm bệnh tại nơi làm việc và toàn bộ nhân viên có mặt phải tuân theo. Nhiều thư viện giới hạn số lượng giờ làm việc trong ngày, cho phép nhân viên làm việc theo ca, như Hội đồng Thư viện Séc khuyến nghị. Thư viện ở các nước Bắc Âu hạn chế tối đa các cuộc họp có thể. Chính phủ các nước Pháp, Ý, Hoa Kỳ hướng dẫn tăng cường công tác bảo dưỡng hệ thống thông gió tại các thư viện, đặc biệt chú ý đến việc lưu thông gió thường xuyên tại các phòng đọc và kho.

Xử lý tài liệu mượn trả

Một câu hỏi quan trọng đặt ra với người làm thư viện về nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với các tài liệu mang vi rút. Tuy hiểu biết của chúng ta về cách thức lây lan của vi rút vẫn còn hạn chế nhưng đã có một số nghiên cứu mới liên quan đến sự tồn tại của nó trong không khí và trên các loại bề mặt khác nhau. Theo đó, có khả năng vi rút tồn tại lâu hơn trên nhựa và thép, ít hơn trên bìa cứng hoặc đồng, mặc dù các thử nghiệm này diễn ra trong điều kiện phòng thí nghiệm và nguy cơ lây nhiễm giảm dần theo thời gian.

Nghiên cứu của Viện Bảo tàng và Thư viện Hoa Kỳ cho thấy khả năng lây nhiễm vi rút của các vật liệu bằng giấy ở mức thấp.. . Các thư viện ở Na Uy, Thụy Điển cũng cho biết chưa có bằng chứng về sự lây lan qua các bề mặt giấy. Tuy nhiên, một số thư viện đã áp dụng giải pháp cách ly tài liệu mượn được trả lại, cho dù thời gian cách ly chưa được thống nhất. Ví dụ, Chính phủ các nước Ai-len, Thụy Sỹ, Hà Lan, Bỉ và Nga yêu cầu cách ly 72 giờ, trong khi Cộng hòa Séc cho rằng cần 48 giờ, Hiệp hội Thư viện và Thông tin Úc đề xuất tài liệu chỉ cần được cách ly 24 giờ trước khi được đem ra xử lý và cho mượn lại, bởi rủi ro lây nhiễm sau khoảng thời gian này có thể được coi là không đáng kể.

Mặt khác, các thư viện cần chú trọng nhiều hơn tới khả năng lây nhiễm trên các bề mặt nhựa, chẳng hạn như bàn phím, chuột, đĩa CD và DVD, đồ chơi hoặc tai nghe. Những đồ vật này cần được thường xuyên làm sạch, lau chùi bằng khăn tẩm cồn hoặc tạm dừng phục vụ.

Quản lý làm việc từ xa

Trước thực trạng các thư viện và hiệp hội thư viện phải tạm thời đóng cửa, nhiều lãnh đạo thư viện đang phải đối mặt với những thách thức xung quanh việc làm thế nào để quản lý làm việc từ xa một cách hiệu quả?

Biện pháp tốt nhất là lập kế hoạch trước, đảm bảo rằng tất cả các nhân viên trong diện làm việc từ xa có phương tiện cần thiết (máy tính, Internet, phần mềm làm việc), cũng như được đào tạo kỹ năng kiến thức đầy đủ để làm việc hiệu quả và an toàn tại nhà, đồng thời có thể giữ liên lạc với đồng nghiệp dễ dàng. Bởi thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội có thể rút ngắn hoặc kéo dài tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh, các thư viện cần lên kế hoạch đối phó với các tình huống cụ thể và nghiên cứu các tác động lâu dài của hình thức làm việc này lên yếu tố tâm lý của nhân viên, từ đó có biện pháp quản lý phù hợp.

Hành động của các hiệp hội, thư viện quốc gia và các đối tác thư viện

Các hiệp hội thư viện đang làm việc tích cực để cung cấp các thông tin liên quan đến đại dịch và hỗ trợ các thành viên của họ trong khoảng thời gian khó khăn này. Nhiều nơi đã thiết lập các trang với danh sách các nguồn và hướng dẫn đáng tin cậy ở cấp quốc gia, cập nhật các khuyến nghị ở phạm vi khu vực và toàn cầu đồng thời thúc đẩy sự trao đổi và phối hợp giữa các giám đốc thư viện để chia sẻ các ý tưởng và hành động. Một số nơi khác đang cung cấp sự hỗ trợ hữu ích cho việc lập kế hoạch, quản lý nhân viên và tòa nhà thư viện, cũng như cho sự phát triển của các dịch vụ trực tuyến, thông qua danh mục kiểm tra các bước cần thực hiện trong giao tiếp, các biện pháp phòng ngừa an toàn, hỗ trợ cộng đồng cùng các khóa tập huấn hữu ích ứng phó với đại dịch…

Bên cạnh các hoạt động tích cực của hiệp hội thư viện, một số thư viện quốc gia với vị trí vừa là cơ quan chủ chốt của chính phủ, vừa là cơ quan đứng đầu trong hệ thống thư viện của đất nước cũng đang dần khẳng định vai trò trong việc cung cấp quyền truy cập tài liệu số. Một số cuộc khảo sát được tiến hành nhằm xem xét việc mở cửa trở lại, đưa ra các xu hướng phổ biến về cách thức mà các thư viện cần làm để bảo vệ người sử dụng và người làm thư viện, cũng như cung cấp thông tin cụ thể về việc sử dụng tài liệu số và các dịch vụ liên quan đã được triển khai rộng rãi trong suốt cuộc khủng hoảng vừa qua. Trong khi đó, một số thư viện quốc gia khác có nhiệm vụ hỗ trợ việc ra quyết định của quốc hội vẫn tiếp tục soạn thảo các hồ sơ pháp lý cung cấp cái nhìn tổng quan về những gì đang diễn ra.

Ngoài ra, đối tác thư viện gồm nhà xuất bản, nhà phân phối và các bên liên quan khác cũng đã có những động thái tích cực đáng ghi nhận trong việc tạo điều kiện tiếp cận nội dung số ngay cả khi các thư viện buộc phải đóng cửa như nới rộng khả năng truy cập, kéo dài thời gian đăng nhập, cung cấp quyền truy cập miễn phí… SAGE - đối tác xuất bản của IFLA đã công bố xóa cổng đăng ký đối với một số bài viết, cam kết tạo điều kiện truy cập miễn phí các tài liệu liên quan đến đại dịch COVID-19, đồng thời quảng bá khóa học trực tuyến miễn phí “Làm thế nào để được xuất bản”. Một đối tác quan trọng khác của IFLA là OCLC - đã tổ chức một cuộc gặp mặt quy tụ hơn một nghìn thủ thư nhằm chia sẻ những câu chuyện và tạo dựng sự hiểu biết về những yêu cầu trong nghề này.

Các vấn đề đang diễn ra

IFLA nhận thức được rằng đại dịch đã làm nảy sinh một số vấn đề lớn: vấn đề bản quyền, những tác động của cuộc khủng hoảng đối với các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghiên cứu, quyền riêng tư và việc đảm bảo các quy chế dân chủ được bảo vệ.

IFLA đã tích cực vận động chính sách xung quanh những vấn đề này, đặc biệt là vai trò thúc đẩy hình thành Tuyên bố chung của UNESCO và IFLA: Biến mối đe dọa COVID-19 thành cơ hội để hỗ trợ nhiều hơn cho di sản tư liệu.

IFLA cũng đã tiên phong trong việc soạn thảo một lá thư gửi Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới kêu gọi hành động để đảm bảo các vấn đề về bản quyền được ủng hộ ở cả khía cạnh pháp lý và thực tiễn.

IFLA cũng đã nêu bật những thách thức mà các thư viện đại học phải đối mặt trong việc truy cập sách điện tử; Ký Tuyên bố ICOLC (The International Coalition of Library Consortia: Liên minh Quốc tế Liên hợp Thư viện) về truy cập tài nguyên và COVID-19, đồng thời đưa ra bộ nguyên tắc để các hiệp hội thư viện sử dụng trong các cuộc đàm phán với chủ sở hữu bản quyền.

Hành động của IFLA

Bất chấp đại dịch COVID-19, công việc của IFLA nhằm củng cố và hợp nhất lĩnh vực thư viện toàn cầu vẫn đang được tiếp tục, quyết tâm duy trì động lực được tạo nên từ chương trình Tầm nhìn Toàn cầu đồng thời tin tưởng mạnh mẽ rằng sứ mệnh mà Chiến lược hành động đặt ra vào năm trước vẫn phù hợp ở hiện tại.

IFLA đang nỗ lực làm việc để đảm bảo rằng các tình nguyện viên và nhân viên trực thuộc có thể tiếp tục công việc quan trọng của họ, điều đó đã được chứng minh bằng sự thành công của một loạt các cuộc họp bàn giữa kỳ được các bộ phận chuyên nghiệp của IFLA tổ chức vào những tuần qua.

Ngoài ra, Bộ phận Thư viện Y tế và Khoa học Sinh học của IFLA phối hợp với Nhóm Lợi ích đặc biệt về Bằng chứng Sức khỏe Toàn cầu và Thảm họa đã tổ chức một hội thảo trên web vào ngày 23/4 về chủ đề bất bình đẳng sức khỏe kỹ thuật số tại thời điểm COVID-19 và một hội thảo khác về vai trò của người làm thư viện trong việc thu thập bằng chứng và chia sẻ truy cập mở để giúp đưa ra quyết định trên toàn cầu. IFLA cũng đã hỗ trợ một loạt các hội thảo trên web tập trung vào cách thức mà các thư viện có thể hỗ trợ kết nối và truy cập thông tin trong thời kỳ đại dịch.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Trong tương lai, IFLA cũng mong muốn giới thiệu những dịch vụ và cơ hội mới để xây dựng xã hội hội nhập thông tin. Trong lĩnh vực này, IFLA sẽ hợp tác chặt chẽ với các bộ phận chuyên nghiệp – nơi tập hợp các chuyên gia đầu ngành thư viện trên toàn cầu để giúp truyền cảm hứng, gắn kết và tạo điều kiện kết nối trong cộng đồng thư viện thế giới. IFLA mong muốn được chia sẻ nhiều hơn.

Trích dẫn: Nguồn: https://www.ifla.org/covid-19-and-libraries#actions

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT THƯ VIỆN NĂM 2020.

Tại Cửa Lò – tỉnh Nghệ An, từ 12-14 tháng 7 năm 2020. Liên chi hội Thư viện Khu vực phía Bắc, long trọng tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Luật Thư viện năm 2020. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã cử cán bộ Thư viện tới tham dự hội nghị triển khai thực hiện luật Thư viện.

Ngoài công việc triển khai thực hiện Luật Thư viện, nằm trong chuỗi 03 ngày làm việc, Liên chi hội đã tổ chức cho đoàn đến thăm và làm việc tại Thư viện trường Đại học Vinh (Trường Đại học trọng điểm). Ở đây, các thành viên trong đoàn đã có thêm nhiều kiến thức cũng như hình ảnh thú vị về 01 môi trường làm việc tại Thư viện của Trường Đại học trọng điểm!

Dưới đây là một số hình ảnh về chuyến công tác triển khai thực hiện Luật Thư viện tại Cửa Lò và TP. Vinh - Nghệ An tháng 7 năm 2020.

h1h2h3

ĐẠI HỘI LIÊN CHI HỘI THƯ VIỆN ĐẠI HỌC KHU VỰC PHÍA BẮC NHIỆM KỲ VII (2020-2023)

Ngày 10/12/2020, Đại hội Liên Chi hội Thư viện đại học khu vực phía Bắc nhiệm kỳ VII (2020-2023) đã được tổ chức tại tỉnh Phú Thọ với sự tham dự của gần 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan thông tin - thư viện các trường và viện nghiên cứu đại học khu vực phía Bắc.

        Kể từ nhiệm kỳ V và đặc biệt là trong nhiệm kỳ VI (2017 – 2020), Liên Chi hội Thư viện Đại học khu vực phía Bắc (NALA) chính thức là thành viên của Hội Thư viện Việt Nam, có quy chế tổ chức hoạt động được xác định đầy đủ với tư cách là một hiệp hội nghề nghiệp. Được sự lãnh đạo trực tiếp từ Hội Thư viện Việt Nam, bên cạnh một số kết quả tích cực đạt được trong công tác tổ chức, quản lý; chuyên môn, nghiệp vụ; thông tin, truyền thông, NALA đã phối hợp với một số trường đại học và cơ quan thông tin – thư viện các trường đại học tổ chức được 05 hội thảo, 01 hội nghị, 04 khóa tập huấn nhằm cập nhật kiến thức nghiệp vụ, tiếp cận với những thay đổi về công nghệ - dữ liệu – cách thức quản lý và khai thác thông tin đến từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo nên những tác động tích cực đối với hệ thống thông tin – thư viện cả nước. Bên cạnh đó, NALA cũng đã chủ động phối hợp với Trung tâm Thông tin – Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) triển khai dự án “Xây dựng thư viện số đại học dùng chung” nhằm hợp tác, chia sẻ tài nguyên thông tin giữa các thành viên thông qua việc kết nối các cổng thông tin, trang web của các thư viện thành viên của NALA...

        Vượt qua những thách thức, khó khăn, với ý thức trách nhiệm cao của hầu hết các đơn vị thành viên, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là của Hội Thư viện Việt Nam, trong nhiệm kỳ vừa qua, NALA đã tiếp tục tổ chức thực hiện có kết quả các hoạt động thiết thực, có nhiều đóng góp vào thành tích chung của ngành thông tin – thư viện cũng như của ngành giáo dục đại học Việt Nam trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

        Trong đại hội, một số cá nhân và tập thể đã được vinh danh, cụ thể: Hội Thư viện Việt Nam tặng Bằng khen cho 05 tập thể và 19 cá nhân; Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tặng Bằng khen cho 02 tập thể và 02 cá nhân; NALA tặng Giấy khen cho 20 tập thể và 05 cá nhân.

        Đại hội cũng đã bầu ra 05 thành viên thuộc Ban Thường trực; 11 thành viên thuộc Ban Thường vụ và 23 thành viên Ban Chấp hành nhằm phân chia trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu của NALA trong nhiệm kỳ mới.

        Cùng với các thay đổi về nhân sự của các Ban, Đại hội nhiệm kỳ VII (2020-2023) xác định các phương hướng hoạt động như sau:

- Về công tác tổ chức: Phát huy vai trò của liên chi hội thư viện đại học trong việc đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ chuẩn hóa, hiện đại đại hóa, phát triển thư viện số, để thực hiện liên thông, chia sẻ nguồn lực thông tin với các cơ quan thông tin – thư viện trong nước và quốc tế...

- Về công tác chuyên môn – nghiệp vụ: Đề xuất và tham vấn cho các cơ quan quản lý nhà nước ra các văn bản trong lĩnh vực bổ sung, trao đổi, chia sẻ nguồn lực thông tin trong hệ thống thư viện đại học; Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bổ sung, trao đổi, mượn liên thư viện và sử dụng chung nguồn lực thông tin trong các thư viện đại học, viện nghiên cứu trong khu vực và trên thế giới...

- Về công tác đào tạo, bồi dưỡng: Phối hợp với các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước về thông tin – thư viện tổ chức hội thảo và các chương trình tập huấn, đào tạo về lĩnh vực thư viện số như: Phát triển, bảo quản lưu trữ tài nguyên số; Quản trị thông tin - tri thức số; Hạ tầng công nghệ, Dịch vụ, Bản quyền thư viện số, Trung tâm tri thức số và đào tạo nâng cao năng lực thông tin...

- Về công tác phát triển ứng dụng công nghệ thông tin: Khuyến nghị đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác tiêu chuẩn hóa đối với các thư viện đại học, nhất là các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng thông tin, đội ngũ cán bộ thư viện và sớm hình thành mạng thư viện đại học để thực hiện việc chia sẻ nguồn lực, thực thi một cách thống nhất chính sách liên quan tới các quá trình tạo lập, lưu giữ, quản lý và khai thác thông tin nói chung; Kiện toàn, tăng cường hiệu quả hoạt động của Website Liên hiệp, hộp thư điện tử dùng chung, sử dụng các mạng xã hội (Facebook, Zalo) để thường xuyên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau...

        Trong phần thảo luận của đại hội, một số ý kiến đã được các đại biểu đưa ra, liên quan đến quá trình liên kết, quản lý và chia sẻ dữ liệu – tri thức, phát triển nguồn nhân lực, sự cần thiết phải tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo và tập huấn nghiệp vụ, cũng như sự quan tâm hơn nữa dành cho các thư viện đại học khối ngành an ninh...

Một số hình ảnh của Đại hội:

lien anh 1lien anh 2

 

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ NÂNG CAO NĂNG LỰC HOẠT ĐỘNG CỦA THƯ VIỆN

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

Mục tiêu chung là ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

1122

100% thư viện quan trọng có trang điện tử cung cấp dịch vụ trực tuyến

Mục tiêu đến năm 2025, 100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (thư viện có vai trò quan trọng) hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác.

100% thư viện có vai trò quan trọng, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thư viện đại học và thư viện chuyên ngành ở trung ương có trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ trực tuyến, tích hợp với thành phần dữ liệu mở của Hệ tri thức Việt số hóa; 80% thư viện chuyên ngành và thư viện đại học khác, 60% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác có trang thông tin điện tử có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập (trừ các dịch vụ thuộc phạm vi bí mật nhà nước và dịch vụ đọc hạn chế).

70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do các thư viện có vai trò quan trọng thu thập và quản lý được số hóa; 70% tài liệu nội sinh, các công trình nghiên cứu khoa học do các thư viện chuyên ngành, thư viện đại học thu thập và quản lý được số hóa.

100% người làm công tác thư viện được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại. 60% số thư viện trong cả nước trở lên được kiểm tra, quản lý thông qua hệ thống quản lý thông tin của cơ quan quản lý.

Định hướng đến năm 2030, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện số, thực hiện liên thông ở mọi loại hình thư viện, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện mọi nơi, mọi lúc.

Giải pháp mà Chương trình đưa ra là nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật; hoàn thiện và phát triển hạ tầng số của ngành thư viện; phát triển dữ liệu số ngành thư viện; xây dựng và phát triển nền tảng số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng…

Về phát triển dữ liệu số, Chương trình tập trung thúc đẩy các dự án số hóa tài liệu và tài nguyên, sản phẩm thông tin thư viện trên cơ sở tạo mới và tích hợp với cơ sở dữ liệu số sẵn có theo hướng mở, chú trọng tài nguyên giáo dục mở; hình thành cơ sở dữ liệu hệ thống định danh các thư viện, cơ quan thông tin và các dịch vụ cung ứng tại thư viện cũng như trên không gian mạng. Hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác để cung cấp dịch vụ định danh cho người sử dụng; xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ trực tuyến và phổ biến rộng rãi tới tất cả người dân, có phân biệt các đối tượng đặc thù.

Đồng thời, xây dựng mục lục liên hợp phản ánh tài liệu dùng chung và mục lục liên hợp với một số ngành, lĩnh vực; tăng cường dịch vụ thông tin chuyên đề, đổi mới dịch vụ thông tin thư viện theo hướng cung cấp thông tin và tri thức theo yêu cầu. Đa dạng hóa các dịch vụ thư viện sử dụng tài nguyên số, sản phẩm thông tin số ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Ứng dụng điện thoại di động truy cập tài nguyên thư viện

Về xây dựng và phát triển nền tảng số, Chương trình xây dựng, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu, trao đổi tài nguyên thông tin số giữa các thư viện trong cả nước và nước ngoài; hợp tác trong bổ sung, chia sẻ, dùng chung cơ sở dữ liệu hoặc quyền truy cập tài nguyên thông tin số. Cung cấp dịch vụ trực tuyến (giới thiệu tài nguyên thông tin mới, tra cứu tài nguyên thông tin, mượn/trả, gia hạn tài nguyên thông tin, sao chụp từ xa...) hỗ trợ học tập, nghiên cứu và giải trí cho người dân.

Phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh (điện thoại di động, máy tính bảng,...) để cung cấp các dịch vụ và khả năng truy cập vào các nguồn tài nguyên thông tin của thư viện ở mọi lúc, mọi nơi.

Xây dựng dữ liệu mở để người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng cùng tham gia, góp phần xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở về thư viện và mạng thông tin thư viện quốc gia, góp phần xây dựng thành phố thông minh và xây dựng xã hội học tập.

                                                                                          Nguồn: Chinhphu.vn

Làm bất cứ điều gì với wikiHow

Các bạn hãy truy cập vào wikiHow tại địa chỉ: www.wikihow.com để chờ đón những điều thú vị và bổ ích cho cuộc sống của mình. Hiện tại, wikiHow hỗ trợ 16 ngôn ngữ khác nhau trong đó có tiếng Anh, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Ấn Độ, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Nga, Trung Quốc, Indonesia, Séc, Nhật Bản, Ả Rập, Thái Lan và Việt Nam.

            Xin gửi tới bạn đọc toàn văn bài giới thiệu từ wikihow trước khi bạn khám phá, nếu bạn cảm thấy hài lòng hãy giới thiệu cho người khác!

Xem tiếp...